Để chuẩn bị cho việc phái cử người lao động đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thường xuyên trao đổi và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tiếp nhận lao động để có những chỉ đạo và hướng dẫn phù hợp.
Bên cạnh đó, Bộ cũng đã làm việc với cơ quan liên quan trong nước, các địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai công tác chuẩn bị nguồn lao động, các thủ tục cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài đáp ứng được các điều kiện, quy định tiếp nhận lao động nước ngoài tại các quốc gia/vùng lãnh thổ.
Bên cạnh đó, cùng với các thị trưởng truyền thống là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tiếp tục thúc đẩy ký kết các Thỏa thuận về hợp tác lao động đối với các nước để mở rộng thị trường lao động ngoài nước, như với CHLB Đức, với Liên bang Nga; với Australia (chương trình visa nông nghiệp), với Israel và một số thị trường châu Âu khác.
Thị trường xuất khẩu lao động bắt đầu sôi động trở lại, cũng là lúc nở rộ hiện tượng giả mạo doanh nghiệp, lừa đảo người lao động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - LĐTBXH) cho hay, đối tượng lừa đảo đã lợi dụng nhu cầu của người lao động mong muốn đi làm việc ở nước ngoài để có thu nhập cao, điều kiện làm việc tốt nhưng không phải trải qua các khâu, thủ tục tuyển chọn, đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng nghề.
Do đó, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã tìm nhiều hình thức, thủ đoạn để lừa đảo người lao động.
“Có những hình thức, thủ đoạn rất tinh vi mà phải có sự vào cuộc của cơ quan quản lý, cơ quan chức năng mới phát hiện được" - ông Liêm nói.
Các đối tượng này thường lập thành công ty, có văn phòng và đội ngũ nhân viên như các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức quảng cáo trên mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Thậm chí, họ có cả trang website quảng bá về hoạt động của doanh nghiệp và hình ảnh tuyển chọn, đào tạo người lao động và nơi người lao động làm việc ở nước ngoài.
Ngoài ra, các đối tượng này cũng lợi dụng uy tín của các doanh nghiệp có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để lập ra các công ty có tên tương tự nhằm đánh lừa những người lao động.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhìn chung, hình thức, thủ đoạn lừa đảo của các tổ chức, cá nhân này vẫn chỉ nhằm vào nhu cầu muốn đi làm việc của người lao động bằng mọi giá, sự nhận thức về pháp luật và thông tin việc làm ngoài nước còn hạn chế của người lao động.
Tác giả: Anh Thư
Nguồn: Báo Lao động
Sưu tầm bởi Hi-techjob - Việc làm thời đại 4.0
0 0
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để bình luận. Bình luận của bạn có thể được biên tập lại trước khi hiển thị.
Chiều dài tối thiểu: 3 từ; Liên kết hoặc các ký tự đặc biệt sẽ tự động bị xoá khỏi bình luận. Gửi